Thời gian gần đây tư vấn viên của Thế Giới Mẹ và Bé Sao Đỏ nhận được rất nhiều câu hỏi hay thắc mắc như:
- Mọi người bảo ngày xưa 2-3 tháng đã ăn bột mà có sao đâu?
- Em cho nó ăn bột thôi vì nó “đói lắm”?
- Bé nhà em ăn bột tốt lắm, từ ngày ăn bột bé ăn được nhiều và ngủ không quấy!
- Con em biếng ăn, lười ăn lắm trong khi ngày bé thì ăn ngoan, ăn nhiều?
- Con em ăn nhiều bột lắm mà sao vẫn còi?
- Bé nhà em chẳng chịu uống sữa gì cả!
Chính vì vậy chúng tôi sẽ giải đáp cho các mẹ những thắc mắc đó trong bài viết này.
- Ăn dặm là gì?
Để cho bé ăn dặm đúng cách trước hết chúng ta phải hiểu ăn dặm là gì? Ăn dặm nghĩa là cho trẻ ăn bổ sung các thức ăn khác ngoài sữa mẹ, bao gồm tinh bột, các loại vitamin từ rau, thịt, cá, trứng, hoa quả, sữa… Các loại thức ăn này chỉ có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển một cách toàn diện chứ không thay thế được sữa đặc biệt là sữa mẹ.
- Khi nào nên ăn dặm
Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: Thời điểm vàng cho trẻ ăn dặm là 180 ngày tuổi (6 tháng).
- Ăn dặm sớm có sao không?
- Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện: Trước 6 tháng, hệ tiêu hóa của con chưa hoàn thiện, chưa có đủ các loại enzyme để tiêu hóa tinh bột cũng như thức ăn.
- Tổn thương dạ dày
- Thận chưa đủ sức lọc
- Trẻ dễ bị sặc nghẹn, gây viêm nhiễm đường hô hấp
- Thiếu vi chất dinh dưỡng vì khi ăn dặm, trẻ thường sẽ giảm uống sữa lại
- Dễ ăn quá đà
- Trẻ chậm lớn do không hấp thu được hết các dưỡng chất từ thức ăn…
- Giải đáp thắc mắc
- Mọi người bảo ngày xưa 2-3 tháng đã ăn bột mà có sao đâu?
Các mẹ hỏi ông bà: “trẻ hồi xưa” bây giờ trưởng thành thì cao được mét mấy? Chính vì suy nghĩ ấy mà cách đây 20 năm đến 90% trẻ em ở nông thôn thấp lùn, suy dinh dưỡng, còi xương theo thống kê và số liệu quốc gia. Theo thống kê năm 2015, vẫn trong tình trạng cứ 3 trẻ có 1 trẻ suy dinh dưỡng, 5 trẻ thì 1 trẻ còi xương. Xã hội phát triển tiến bộ thì cách nuôi con chăm cháu cũng phải tiến bộ. Mọi người hay khen trẻ con bây giờ “khôn lắm” – Chính nhờ chế độ dinh dưỡng, khoa học, đầy đủ vật chất tinh thần mà mới có sự “khôn” ấy.
- Em cho nó ăn bột thôi vì nó “đói lắm”?
Con đói thì uống sữa. Trước 6 tháng sữa hoàn toàn có thể đáp ứng dinh dưỡng cho bé và làm cho bé không đói. Giai đoạn 4-5 tháng nhu cầu dinh dưỡng của bé tăng hơn rất nhiều so với giai đoạn 1-2 tháng. Vì vậy nếu mẹ thấy bé đói thì đơn giản cho bé bú nhiều lên, tăng lượng và số lần bú sữa lên.
- Bé nhà em ăn bột tốt lắm, từ ngày ăn bột bé ăn được nhiều và ngủ không quấy!
Mẹ chăm con muốn con cao lớn thông minh hay chỉ muốn con không “đói”, “không quấy”? Trước 6 tháng bé không tiêu hóa được tinh bột, tuy nhiên theo bản năng bé có thể ăn rất nhiều. Do không tiêu được dẫn đến tình trạng ì ạch, ngại vận động do ít năng lượng, dạ dày luôn trong tình trạng ngang dạ nên sẽ tạo ảo giác là bé đã no, ngủ ngon hơn hẳn. Thực chất đây chỉ là việc làm đầy dạ dày trẻ mà không phải cho trẻ “ăn”.
- Con em biếng ăn, lười ăn lắm trong khi ngày bé thì ăn ngoan, ăn nhiều?
Cho bé ăn dặm quá sớm, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện sẽ dẫn tới những tổn thương, khiếm khuyết chưa hoàn cho hệ tiêu hóa, vì vậy khi bé lớn lên các chức năng của hệ tiêu hóa không hoàn thiện sẽ làm giảm sự hấp thu thức ăn, từ đó dẫn tới không ngon miệng, chán ăn, bỏ ăn. Cho ăn dặm quá sớm là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến biếng ăn sau này ở trẻ.
- Con em ăn nhiều bột lắm mà sao vẫn còi?
Giai đoạn trước 6 tháng bé lớn lên và phát triển chủ yếu từ sữa mẹ và sữa công thức. Sữa dễ tiêu hóa và được hấp thụ nhanh qua đường ruột của bé giúp cung cấp cho bé đủ dưỡng chất và các vitamin cần thiết. Như đã nói ở trên, vì không hấp thu được tinh bột nên khi cho bé ăn dặm quá sớm chỉ tạo ra sự “no” giả mà hoàn toàn không mang lại nhiều giá trị về dinh dưỡng, đồng thời ăn bột sẽ làm giảm lượng sữa mà bé uống hàng ngày dẫn tới trẻ dễ còi, chậm phát triển. Giai đoạn 5-6 tháng trên 75% nhu cầu của bé vẫn là sữa.
- Bé nhà em chẳng chịu uống sữa gì cả!
Hãy chú ý khi người lớn chúng ta ở tình trạng ngang dạ, đầy bụng, chưa đói thì nhu cầu ăn sẽ giảm đi tức thì, sẽ không còn cảm giác thèm ăn nữa. Trẻ con cũng vậy, khi cho bé ăn 1 lượng tinh bột không hấp thu được sẽ làm giảm nhu cầu uống sữa cũng như sự thèm ăn của trẻ.
Hãy là một bà mẹ thông thái!