1. Tắc tia sữa là gì?
Tắc tia sữa là tình trạng sữa mẹ bị giữ lại bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực. Hiện tượng này có thể khiến việc cho con bú cũng như hút sữa để tích trữ gặp nhiều khó khăn, đau đớn. Nếu không được giải quyết nhanh chóng, tắc tia sữa có thể dẫn đến các vấn đề lớn hơn, ví dụ như viêm vú hoặc dừng hẳn việc ra sữa, từ đó gây ra nhiễm trùng.
2. Nguyên nhân gây tắc tia sữa là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tắc tia sữa ở phụ nữ cho con bú, chẳng hạn như:
- Mới sinh con: Sau khi sinh, một số người gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Sữa đã có nhiều trong bầu ngực nhưng vẫn không thể chảy ra ngoài cho bé bú được. Việc ứ đọng sữa dẫn đến vú căng cứng và có thể khiến bạn bị sốt nhẹ.
- Sữa mẹ dư thừa: Hầu hết trong các trường hợp, nguyên nhân gây tắc tia sữa là do sữa mẹ còn thừa ở trong bầu ngực do em bé không bú hết hoặc bạn không hút phần sữa thừa sau khi bé đã bú no, dẫn đến sữa còn đọng lại, gây ra tắc nghẽn.
- Ngực chịu áp lực: Việc bạn mặc một chiếc áo ngực quá chật, áo bó hoặc mang địu địu bé trước ngực đôi khi cũng khiến các tia sữa bị tắc. Ngoài ra, việc nằm sấp khi ngủ và tập luyện thể thao cũng gây ra tình trạng tương tự.
- Ít hút sữa ra ngoài: Nếu ít hút sữa hoặc hút không hết sữa, bạn dễ gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Lực hút của máy yếu không thể hút hết sữa ra ngoài cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị tắc tia sữa.
- Con ngậm vú mẹ không đúng: Khi bé ngậm vú mẹ không đúng cách, bé sẽ không thể bú đủ lượng sữa mẹ sản xuất ra. Do đó, sữa còn tồn đọng lại trong bầu ngực là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa.
- Mẹ không cho bú thường xuyên: Do một nguyên nhân nào đó, mà bạn không cho bé bú thường xuyên hoặc không hút sữa ra hết trong khoảng 5 giờ đến 1 ngày. Điều này cũng có thể dẫn đến tình trạng bị tắc tia sữa.
- Stress: Tâm trạng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể. Việc sản xuất sữa cũng không nằm ngoài điều đó. Sự căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin¹, giúp vú bạn giải phóng sữa. Vì vậy, hãy để bản thân được thư giãn. Nếu con đang say giấc, bạn cũng nên chợp mắt một chút. Khi đã quá mệt mỏi, hãy nhờ người thân trông bé để bạn có thể ra ngoài hít thở không khí trong lành và lấy lại tinh thần.
Dấu hiệu tắc tia sữa
Dù bạn đang ở giai đoạn đầu cho con bú sữa mẹ hoặc đã cho con bú một thời gian, tình trạng tia sữa bị tắc nghẽn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bạn có thể chú ý đến một số khu vực của vú có hiện tượng cứng và khó chịu. Ngoài ra, tắc tia sữa còn có triệu chứng như:
- Đau, tức ngực nhẹ
- Các nốt sần nhỏ nổi trên ngực
- Ngực sưng đỏ
- Một số khu vực ở ngực có cảm giác ấm nóng bất thường khi chạm vào.
Cách chữa tắc tia sữa tại nhà
Khi bị tắc tia sữa, việc đầu tiên mà đa số các mẹ thường làm là tạm dừng cho con bú để ngăn chặn cơn đau. Tuy nhiên, điều này lại sai hoàn toàn. Cách chữa tắc tia sữa hiệu quả là hãy duy trì việc cho bé bú sữa mẹ. Cho trẻ bú mẹ thường xuyên sẽ giúp tình trạng này giảm đi rất nhiều hoặc bạn cũng có thể sử dụng máy hút sữa nhằm thông tia sữa bị tắc.
Bạn đang cho con bú nhưng bắt đầu thấy căng tức, không thoải mái ở vùng ngực, hãy nhẹ nhàng massage bầu vú trong khi con đang bú hoặc đang hút sữa bằng máy. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến khích bạn nên nghỉ ngơi thật nhiều, bổ sung thêm nước để sữa tiết ra đều đặn hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Cho bé bú bên ngực bị đau trước: Nếu bầu vú không quá đau đớn, bạn nên cho con bú ở ngực bị tắc tia sữa trước bởi lúc này con sẽ bú bằng lực mạnh nhất để hút sữa mẹ, nhờ đó giúp khai thông các tia sữa bị tắc.
- Chườm ấm quanh bầu ngực có thể giúp sữa chảy đều đặn hơn.
- Thay đổi tư thế cho con bú: Nếu thường xuyên bế con khi cho bé bú, bạn có thể chuyển sang tư thế ôm banh hoặc nằm xuống. Điều này sẽ giúp sữa trong các tia được hút hết ra ngoài.
- Xoa bóp: Các chuyên gia khuyên bạn nên xoa bóp vùng ngực đau thường xuyên và đều đặn. Hãy bắt đầu từ bầu vú hướng dần vào trong núm vú. Áp dụng biện pháp chườm ấm trước khi cho con bú có thể giúp khai thông các tia sữa, hỗ trợ giảm đau và sưng.
- Chế độ dinh dưỡng: Hãy uống thật nhiều nước, đồng thời bổ sung những loại thức ăn có khả năng tăng cường sức đề kháng.
- Nghỉ ngơi: Tuy bạn khó có thể nghỉ ngơi khi phải chăm sóc con cả ngày nhưng điều này lại rất quan trọng. Khi bé ngủ, bạn hãy cố gắng chợp mắt cùng con. Ngoài ra, để tiết kiệm sức lực, bạn có thể để những đồ đạc thường xuyên sử dụng ở gần mình, chẳng hạn như tã lót, đồ chơi, bình sữa… Nếu có thể hãy nhờ người thân trông con hộ để được nghỉ ngơi.
Cách ngăn ngừa tình trạng tắc tia sữa an toàn
Để ngăn ngừa tình trạng tia sữa bị tắc nghẽn, bạn có thể làm theo những gợi ý dưới đây:
- Cho con bú thường xuyên hoặc sử dụng máy hút để hút hết sữa ra ngoài, không để sữa còn sót lại trong bầu vú sau mỗi cữ bé bú
- Sử dụng áo ngực hoặc quần áo rộng rãi, thoải mái
- Uống thật nhiều nước
- Nghỉ ngơi đầy đủ, nếu được hãy áp dụng một số bài tập thiền hoặc luyện tập thể thao
- Cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan nhất.
Hướng dẫn cho con bú đúng cách
The provided API key has an IP address restriction. The originating IP address of the call (171.252.196.49) violates this restriction.