Răng sớm ở trẻ sơ sinh hay nanh sữa.

Các mẹ lưu ý có hai hiện tượng khác biệt là trẻ mọc răng sơ sinh và trẻ có nanh răng.

Đối với trẻ mọc răng sơ sinh: Có những bé sinh ra đã có răng, hầu như không gây hại gì cho bé nếu răng không bị gãy và bé vô tình nuốt phải. Trong trường hợp này các mẹ có thể cho bé đến các cơ sở y tế kiểm tra và có các tư vấn cụ thể.

Nanh sữa là nang lợi ở trẻ sơ sinh, đây là một loại tổn thương lành tính hay gặp ở niêm mạc miệng trong một thời gian ngắn của trẻ sơ sinh, chúng thường ít gây biến chứng và phần lớn tự tiêu biến sau khoảng từ 2 tuần đến 5 tháng sau khi sinh.

1. Nanh sữa là gì?
Nanh sữa hay đẹn là tên thường gọi trong dân gian để chỉ một hay nhiều đốm nhỏ màu trắng trên lợi của trẻ sơ sinh. Cho đến nay nhiều người vẫn nhầm tưởng đây là biểu hiện của tình trạng thừa canxi ở trẻ, hay có khi là vết đóng cặn của sữa do không vệ sinh răng miệng tốt hoặc một loại bệnh nguy hiểm nào đó.

Bản chất của nanh sữa ở trẻ là một loại nanh có vỏ mỏng trong lòng chứa đầy chất keratin. Đây là một sản phẩm thoái hóa của biểu mô sừng hóa. Nanh sữa thường có màu trắng do các mảnh vụn tế bào trong quá trình hình thành răng sữa còn sót lại ở xương hàm.

Nếu xuất hiện ở vòm miệng có thể do mảnh vụn của các tế bào tuyến nước bọt phụ bị vùi kẹt dưới niêm mạc trong thời kỳ bào thai.

2. Nanh sữa có gây nguy hiểm?
Nanh sữa là một loại tổn thương lành tính hay gặp của niêm mạc miệng trong một thời gian ngắn ở trẻ sơ sinh. Nanh sữa hay gặp ở trẻ sơ sinh từ 0 – 3 tháng tuổi, một số trường hợp gặp muộn hơn nhưng hiếm khi gặp trên 8 tháng tuổi và nó xuất hiện ở hơn một nửa số trẻ mới sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ thực tế có thể còn cao hơn nữa do đây là một tổn thương lành tính, xuất hiện trong thời gian ngắn, ít khi gây đau đớn cho trẻ và thường tự vỡ rồi biến mất trong khoảng 2 tuần, do vậy chúng thường được bỏ qua không đến khám tại các cơ sở y tế. Trường hợp nang to có thể tồn tại đến 5 tháng mà không gây biến chứng.


3. Có nên nhể nanh sữa cho trẻ?
Khi trẻ đã được chẩn đoán bị nanh sữa thì các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng. Trước tiên, cần đánh giá xem nanh sữa có gây khó chịu gì cho trẻ không, trẻ có quấy khóc, sốt bỏ bú hay không. Nếu không có những dấu hiệu trên chỉ cần vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt và theo dõi, nanh sẽ tự biến mất sau 1 – 2 tuần.

Trong hợp trẻ mọc nanh sữa kèm theo các biểu hiện khác như: trẻ bú kém, bỏ bú, quấy khóc hay nanh sữa có biểu hiện nhiễm khuẩn, sưng đỏ niêm mạc, loét, trẻ sốt… thì nên cho trẻ đến khám tại các cơ sở ý tế. Nếu có dấu hiệu nanh nhiễm khuẩn gây đau, khó chịu cho trẻ cần đưa trẻ đến khám nha sĩ để chích hoặc nhể nanh.

Thủ thuật này rất đơn giản, tuy nhiên thao tác cần nhanh và chính xác để tránh tổn thương xung quanh gây chảy máu, làm trẻ đau và gây tâm lý lo lắng cho cha mẹ trẻ. Trước khi xử lý nên bôi một lượng thuốc tê vừa đủ để giảm đau cho trẻ. Nanh sữa có lớp vỏ nang rất mỏng và nằm ngay sát niêm mạc nên chỉ cần dùng dụng cụ nhọn làm rách vỏ, nang sẽ tự vỡ giải phóng ra chất màu trắng hoặc vàng nhạt, đặc như nhân mụn trứng cá. Sau đó không cần can thiệp gì thêm, lợi chỗ chích rạch sẽ tự liền sau 1 – 2 ngày. Nanh sữa có thể tái phát sau khi chích nhưng sẽ ở vị trí khác.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo: Các gia đình không nên tự ý chích nhể nanh sữa cho trẻ vì không đảm bảo vô khuẩn sẽ làm nhiễm trùng nặng hơn.